Theo dự báo đến năm 2030 có khoảng 60 quốc gia thiếu nước trầm trọng. Trong khi đó, những năm gần đây tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM mạch nước ngầm đã bị ô nhiễm và gây sụt lún.
Tại VN, nước sử dụng cho sinh hoạt là 70 % nước mặt và 30 % nước ngầm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do khai thác quá mức nên mạch nước ngầm tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã bị ô nhiễm các chất hữu cơ và gây sụt lún. Ở các vùng ven biển nước giếng khoan đã hóa mặn và tình trạng nhiễm mặn ngày càng gia tăng.
Dân số thế giới đang tiếp tục tăng, công nghiệp hóa, đô thị hóa thâm canh nông nghiệp sử dụng nước ngày càng nhiều, trong khi số lượng nước và chất lượng nước đang ngày càng giảm sút gây khó khăn cho nhiều quốc gia, theo dự báo đến năm 2030 có khoảng 60 quốc gia thiếu nước trầm trọng.
Thông tin trên được đưa ra vào ngày 20/3, nhân Ngày nước và Ngày khí tượng thủy văn thế giới năm nay do Bộ TN-MT và Quỹ Nhi đồng Liêp hợp quốc UNICEF tổ chức tại Hà Nội.
Ngày nước và Ngày khí tượng thủy văn thế giới năm nay có thông điệp “Năm quốc tế về vệ sinh” và “Quan trắc hành tinh của chúng ta vì một tương lai tốt đẹp hơn”.
Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Công Thành cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện xây dựng và tổ chức quy hoạch bảo vệ nguồn nước, quy hoạch hệ sinh thái thủy sinh, đảm bảo chất lượng nguồn nước, cung cấp các nguồn nước khác nhau cho nhu cầu sinh họat. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống ô nhiễm mạch nước ngầm, đảm bảo dòng chảy dòng chảy tối thiểu cho các dòng sông, ngăn chặn các và xử lý tình trạng khai thác mạch nước ngầm quá mức.